.

Diệu Hiền Nữ Đại Gia Thủy Sản

Nữ đại gia nợ 1.500 tỷ đồng: Từ huyền thoại đến sự thật
Hiện nay, công ty cổ phần thủy sản Bình An (tại lô 2, 17, Khu công nghiệp Trà Nóc II, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) vắng lặng. Miếu thờ, tượng “ông cá bà cá”, một công trình tưởng nhớ sản vật vùng sông nước miền Tây của bà Diệu Hiền vẫn uy nghi trước cơ ngơi hoành tráng.
Dư luận thắc mắc, dù bà Diệu Hiền chữa khỏi bệnh, về lo giải quyết chuyện nợ nần thì liệu có trả nổi số tiền hơn 1.500 tỷ đồng (chưa kể một số dự án vay ưu đãi)? Quả bom nợ mà công ty Bình An để lại tương đương với 50.000 căn nhà tình nghĩa, hàng vạn cây cầu để giúp cho hàng triệu đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa thuộc đồng bằng sông Cửu Long...

Hình ảnh Nữ đại gia nợ 1.500 tỷ đồng: Từ huyền thoại đến sự thật số 1"Nữ đại gia" Diệu Hiền

Hơn năm năm trước, công ty cổ phần thủy sản Bình An được xem là “hiện tượng” của ngành thủy sản cả nước. Tên tuổi của nữ tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị vượt xa vùng sông nước miền Tây. Ngay lúc đó, rất nhiều bài báo đã viết về doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền như cứu tinh của hàng chục ngàn nông dân miền Tây. Một bài báo ví von bà Diệu Hiền là người đàn bà thờ cá. Tiếp xúc với báo chí, bà Diệu Hiền kể lại ngày ra đời đầy huyền bí: “Lúc mới sinh được vài ngày, cha tôi hy sinh. Tôi được má Năm làm nghề bán củi nuôi. Chưa kịp đặt tên, giặc tổ chức nhiều cuộc càn, đứa bé được bồng xuống hầm bí mật. Cán bộ tỉnh ủy và mọi người lo lắng sợ đứa bé khóc. Kỳ lạ thay, khi nhà sư bế lên cầu nguyện, đứa bé ngủ ngon lành. Suốt mấy giờ quân địch càn, đứa bé như được ru ngủ. Giặc rút, nhà sư bồng đứa bé ra khỏi hầm và nói: “Đứa bé này có căn Phật. Sau này lớn lên nó đi ở cửa chùa. Tôi đặt cho nó tên là Diệu Hiền. Và tên Phạm Thị Diệu Hiền có từ đó”.

Về những ngày gian khó, bà Hiền cho rằng: “Những ngày tập tễnh kinh doanh gỗ bị thất bại, tài sản bị trộm vơ sạch, trong nhà chỉ còn vài chiếc lọ pha lê. Lúc bấy giờ tôi ám ảnh câu “muốn vay gạo thì phải có thóc” và quyết định “chơi ván cuối cùng”. Tôi nhặt mấy chiếc bình pha lê còn sót lại đem bán được bảy trăm ngàn đồng và thêm một triệu đồng vừa đòi nợ được ra cửa hiệu mua bông tai, nhẫn, dây chuyền... giả mạ vàng, một bộ quần áo đẹp, son môi và một giỏ bánh kẹo về vùng quê chợ Gạo. Nhìn bộ dạng Việt kiều, nhiều người xúm lại nhận quà của tôi. Cung cách tiêu tiền và cư xử của tôi khiến mọi người nghĩ tôi đang ăn nên làm ra, liền góp vốn làm ăn. Trong một ngày, tôi vay được của bà con thân tộc và hàng xóm 11 cây vàng. Nhờ đó mà đổi đời. Nợ gốc và lãi của bà con, tôi trả đầy đủ”.



Không biết những lời bà Hiền kể có đúng sự thật hay không nhưng người dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang vẫn không quên được gia cảnh của bà. Nhà nghèo, phải buôn gánh bán bưng để có hạt cơm ngày hai buổi, đùng một cái tên tuổi Diệu Hiền nổi như cồn ở đồng bằng sông Cửu Long với hàng loạt sáng kiến giúp nông dân đổi đời. Sau khi thực hiện nhiều khu dân cư Diệu Hiền ở TP.Cần Thơ và Sóc Trăng, năm 2005 công ty Bình An chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ra đời với vốn điều lệ 500 tỷ đồng; hai trung tâm nuôi trồng ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long; một nhà máy phụ phẩm và viện nghiên cứu thủy sản cùng hàng loạt dự án lớn mà bà Diệu Hiền khoe với báo chí như: Bình An House 1 (tại số 83 đường Nguyễn Văn Trỗi) và Bình An House 2 (đường Cao Thắng, TPHCM).

Chóng tàn
Theo báo cáo lúc bấy giờ, doanh thu của công ty Bình An hàng chục triệu đô. Thế nhưng, thống kê của các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ, trong ba năm nay, mỗi ngày công ty Bình An trả lãi một tỷ đồng. Mang nợ đầm đìa nhưng cách tiêu tiền của tổng giám đốc Diệu Hiền làm nhiều người lóa mắt. Tháng 7-2010, công ty chính thức khánh thành Viện nghiên cứu thủy sản Bình An, vốn điều lệ hơn 114 tỷ đồng với 20 giáo sư, tiến sĩ cả nước tham gia làm ủy viên hội đồng nghiên cứu. Ngày khánh thành, người dân Cần Thơ xem sô diễn văn nghệ hoành tráng. Từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, viện chưa công bố một công trình, kế hoạch nào. Có chăng viện chỉ là căn biệt thự đồ sộ nằm im lìm trong khuôn viên Nhà máy chế biến thủy sản Bình An.

Giữa lúc thiên hạ lao đao vì khủng hoảng, ngày 30-6-2011 bà Diệu Hiền làm doanh nghiệp cả nước ngạc nhiên khi tổ chức khánh thành Nhà máy nước uống Collagen đầu tiên tại Việt Nam. Một doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, công ty Bình An lâm vào tình cảnh mất cân đối một phần do đầu tư, quảng bá thương hiệu Collagen trong khi thị trường tiềm năng không có. Ngay sau khi quảng bá rầm rộ trên cả nước với đại sứ thương hiệu là ba nghệ sĩ khá nổi tiếng, bà Diệu Hiền ký hợp đồng quảng bá với Trung tâm Paris by night để tìm kiếm thị trường nhưng đến nay không đạt hiệu quả.

Ngay tiệc tổ chức đám cưới cho con trai, trước lúc âm thầm ra nước ngoài chữa bệnh vài ngày bà Diệu Hiền đã để lại món nợ hàng ngàn tỷ đồng, bà còn cao ngạo trả lời với báo chí: “Cá nhân tôi không nợ nần với nông dân. Nếu nợ thì công ty và cổ đông nợ”, trong khi bà làm tổng giám đốc. Giải thích về việc tổ chức đám cưới cho con với đoàn siêu xe diễu hành từ TP.Cần Thơ đến TPHCM và ngược lại: “Tôi tổ chức dàn siêu xe để đưa rước dâu chứng tỏ không nợ nần ai. Tôi định mượn máy bay của bầu Đức (tức ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) để rước dâu nhưng hôm đó anh Đức bận”. Tuy nhiên, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: “Tôi không biết chị Diệu Hiền là ai. Chị không quen biết với tôi, thậm chí không có số điện thoại của nhau thì làm sao đặt vấn đề mượn máy bay được”.

Hiện nay, theo lời của tổng giám đốc công ty Bình An được bà Diệu Hiền ủy quyền, ông Trần Văn Trí hứa sẽ gọi điện cho vợ về để giải quyết chuyện nợ nần. Những nông dân mà bà Hiền còn nợ cầu mong như vậy. Họ hy vọng bà Hiền đừng chơi ván cuối cùng với kế sách “muốn vay gạo phải có thóc” để rồi thất hứa với những người một nắng hai sương. Vì nhà bà đang ở, xe bà đang đi... có những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân nuôi từng con cá thì không lý do gì họ bị tước đoạt quyền lợi.

UBND TP. Cần Thơ kiểm tra nợ của nữ đại gia thủy sản
Chiều 10/3, tổ kiểm tra tình hình nợ do UBND TP Cần Thơ thành lập đã làm việc trực tiếp với ông Trần Văn Trí, tổng giám đốc công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) để nghe báo cáo toàn bộ tình hình của công ty, tiến hành thống kê nợ nần, việc thực hiện nghĩa vụ bắt buộc đối với người lao động, kế hoạch trả nợ cho nông dân, ngân hàng...
Một thành viên của tổ kiểm tra cho biết, buổi làm việc kéo dài đến hơn 5 giờ chiều và thông tin diễn biến đang được tổng hợp để báo cáo UBND TP Cần Thơ. Hiện nay, một trong những điều mà dư luận quan tâm là tổng số nợ ngân hàng của Bình An là bao nhiêu tính đến thời điểm hiện nay?
Bước đầu ông Trí đã báo cáo với tổ kiểm tra nhưng đã không được tiết lộ. "Đây là con số cần bảo mật, chưa thể thông tin được", vị cán bộ trên khẳng định.

Theo báo cáo thường niên của Bianfishco năm 2010 đã được công bố: bà Phạm Thị Diệu Hiền có 25 triệu cổ phiếu, chiếm 50% cổ phần; ông Trần Văn Chương (con bà Hiền) có 1 triệu cổ phiếu, chiếm 2% cổ phần; ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) có 5 triệu cổ phiếu, chiếm 10% cổ phần; các cổ đông khác sở hữu 36% cổ phần, còn lại 2% cổ phần do ông Phạm Hữu Thường (SN 1979) sở hữu.

Về thông tin luật sư đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trong vụ kiện “đòi nợ theo hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu” đối với Bianfishco đã đề nghị TAND Q.Ô Môn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Trần Văn Trí, trao đổi với PV, ông Hồ Thanh Long, viện trưởng Viện KSND TP.Cần Thơ cho rằng: Việc luật sư đại diện ủy quyền cho nguyên đơn yêu cầu TAND nơi thụ lý vụ kiện áp dụng một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời là đúng theo quy định. Tuy nhiên, chủ thể để áp dụng của vụ kiện này phải là bà Hiền, là người đại diện theo pháp luật của Bianfishco. Do hiện nay bà Hiền đã ra nước ngoài trị bệnh, nên không thể áp dụng được.

Riêng ông Trí hiện được cho là tổng giám đốc theo ủy quyền của vợ, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản chính thức công nhận việc ủy quyền trên là đúng theo luật doanh nghiệp hiện hành. Do vậy, không thể áp dụng một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Trí.

Bà Diệu Hiền không có dự án chung cư
Công ty của bà Diệu Hiền không phải là chủ của dự án tại chung cư 73 Cao Thắng (Q.3, TP.HCM) như lời ông Trần Văn Trí, chồng bà, từng khẳng định.
Ngày 9.3, thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP.Cần Thơ cho biết tính đến nay, số công nhân viên mà công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) đăng ký đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ có 843 người. Từ tháng 7.2011 đến nay, Bianfishco còn nợ tiền BHXH trên 2,9 tỉ đồng. Mỗi tháng cơ quan BHXH đều có thông báo nhắc, nhưng không nhận được trả lời của công ty, mời đến làm việc, đại diện công ty cũng không đến.

Theo số liệu của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thì số lượng công nhân làm việc tại Bianfishco (tùy theo mùa vụ) dao động từ 1.500 - 2.000 người (không phải đến 4.000 công nhân như bà Diệu Hiền đã công bố). Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết nhà máy chế biến thủy sản của Bình An nằm trong khu công nghiệp Trà Nóc II nên trách nhiệm của ban quản lý được thành phố giao phối hợp với ngành chức năng nắm tình hình và thông tin để báo cáo cho thành phố. Ông Hùng nhận định hiện nay tình hình của Bianfishco rất phức tạp, những vụ việc lùm xùm gây sự chú ý dư luận vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly. “Mặc dù chúng tôi được giao nhiệm vụ làm việc và nắm bắt thông tin, tìm hiểu nguyện vọng, yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng thực sự thì phía Bình An chưa hợp tác; khi công ty gửi báo cáo cho BQL thì chỉ là bản báo cáo không đóng dấu, không ký tên. Ngoài ra, trong cuộc họp báo chiều 7.3, ông Trần Văn Trí, tân tổng giám đốc Bianfishco (chồng bà Diệu Hiền), không hiểu sao lại đưa ra con số Bianfishco hiện có đến 5.000 công nhân đang làm việc”, ông Hùng nói.

Trong một diễn biến khác, theo thông tin ông Trần Văn Trí cung cấp trong cuộc họp báo chiều 7.3, hiện đang có đối tác nước ngoài muốn mua lại 80% cổ phần của công ty với giá từ 80 - 90 triệu USD và đại diện đối tác đang có mặt tại Cần Thơ, thậm chí hiện diện trong buổi họp báo. Một đại gia trong lĩnh vực kinh doanh nông, hải sản tại Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) cho rằng có thể đây chỉ là thông tin “ảo” để trấn an dư luận. Vì Bianfishco hiện đang vay tiền tại ngân hàng và đều thế chấp bằng tài sản, do đó nếu có đối tác muốn mua lại cổ phần hay mua lại toàn bộ nhà máy thì phải làm việc với ngân hàng để thanh lý các hợp đồng vay, sau đó tiến hành định giá mới có kế hoạch mua, chứ đâu có dễ dàng như ông Trí tuyên bố.

Trong cuộc họp báo chiều 7.3, ông Trần Văn Trí có nói “đang thương lượng với đối tác để bán hai dự án tại số 83 Nguyễn Văn Trỗi và 73 Cao Thắng (P.3, Q.3, TP.HCM) để trả nợ”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PVthì hiện tại không có dự án nào tại 73 - Cao Thắng. Theo nhận định của dân cư ở đây, Bianfishco rao bán như vậy là nhằm lập lờ, trấn an các chủ nợ. Chị Ngân (ở căn số 2, lầu 4) nói: “Bà Diệu Hiền có đến trao đổi với người dân sống trong chung cư (CC) về giá đền bù để lập dự án nhưng vẫn chưa thỏa thuận xong”.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Thanh Trúc, chủ tịch UBND P.3 (Q.3, TP.HCM), cho biết: “Khi tình hình bất động sản chưa đóng băng thì phía công ty bà Diệu Hiền có xin chủ trương của quận làm dự án xây lại CC cho khang trang. Đến nay, nói là dự án nhưng CC vẫn là nhà tư nhân chứ bà Hiền chưa mua hết và không phải là chủ sở hữu của 73 Cao Thắng”. Còn Trưởng ban Quản trị CC 73 Cao Thắng (P.3, Q.3, TP.HCM) thì khẳng định: “Chưa nhận được thông báo hay quyết định gì của phường, quận hay TP về việc bà Hiền hay ai là chủ đầu tư gì ở đây. CC này có 45 căn hộ. Bà Diệu Hiền mới mua được 4 căn. Bà Hiền dự định mua 10 căn hộ ở dãy phía sau. Những căn hộ này thuộc sở hữu nhà nước và người dân chỉ làm hợp đồng thuê. 10 hộ này đã nhận đặt cọc của bà Hiền mỗi hộ 30 lượng vàng.

Những ngày qua, dư luận người dân miền Tây xôn xao cho rằng bà Diệu Hiền đã bỏ trốn chứ không chữa bệnh. Tuy nhiên, theo xác minh của Báo CATP, bà Diệu Hiền mang khối u ba năm nay. Trải qua nhiều lần phẫu thuật ở nước ngoài, chứng bệnh vẫn không thuyên giảm. Do đó, việc bà Diệu Hiền đi chữa bệnh là có thật
Nguồn: tinmoi.vn

No comments:

Post a Comment

Vui lòng viết tiếng việt có dấu, hoặc tiếng anh